I. MỞ ĐẦU
Sự xuất hiện của Internet đã thay đổi gần như hoàn toàn cuộc sống của con người. Nó mang lại những tiện ích vượt quá sự mong đợi như là cung cấp thông tin, kết nối mọi người trên toàn thế giới. Một trong những lợi ích mà Internet mang lại đó là trở thành một công cụ hữu dụng cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.Tìm kiếm tài liệu trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, trong kho lưu trữ thông tin khổng lồ đó, để tìm được thông tin cần thiết và chính xác, bạn cần có một số hiểu biết nhất định và sự tỉnh táo của bản thân. Trong phạm vi bản tham luận, tôi xin nêu ra một số kinh nghiệm của bản thân và các thông tin qua tìm hiểu về việc tìm tài liệu nghiên cứu từ Internet.
II. NỘI DUNG
1. Vai trò của Internet với việc học tập của sinh viênTrong những năm gần đây, người ta chứng kiến những bước thay đổi mạnh mẽ chưa từng thấy của các phương tiện thông tin đại chúng, một trong những dịch vụ hàng đầu hiện nay là Internet. Nó là một phương tiện không thể thiếu của nhân loại, một dịch vụ “nhanh, gọn, tiện ích”, không những thế, Internet đã và đang thâm nhập vào hầu như mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và mọi hoạt động sống của con người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đối với việc học tập của sinh viên.
Tiện ích mà Internet mang lại cho sinh viên là rất lớn: Nó giúp cho họ có những hiểu biết sâu rộng trong mọi lĩnh vực, cập nhật được thông tin một cách nhanh nhất, tiện lợi trong quá trình học tập và mang lại kết quả cao.
Internet thực sự là một nguồn dự trữ thông tin khổng lồ mà trong đó có sẵn mọi kiến thức trên mọi lĩnh vực trợ giúp tích cực cho sinh viên nếu biết cách chọn lựa và tiếp nhận thông tin. Nó còn là nhân tố thúc đẩy trao đổi thông tin học tập và kiến thức xã hội.
Bên cạnh đó, Internet còn giúp giải tỏa những căng thẳng, stress trong học tập, có thêm niềm vui, sự tự tin trong cuộc sống, có thể gặp gỡ, nói chuyện với người thân, bạn bè phương xa, giao lưu kết bạn với nhiều người không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng trên toàn thế giới, tạo được những mối quan hệ giúp những người này có nhiều cơ hội làm việc khi ra trường.
Internet quả thật là nhân tố kết nối mọi người.
2. Mẹo tìm tài liệu bằng từ khóa đúng
Internet, cũng như những công cụ phục vụ cuộc sống con người khác, luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Để có thể tìm được thông tin bổ ích giúp cho việc học tập và về xã hội, sinh viên nên có một số hiểu biết để nhanh chóng tìm được tài liệu cần thiết.
Ngoại trừ những chủ đề hết sức đặc biệt, mà bản thân tên gọi chủ đề đã là một từ khóa tốt giới hạn ngay lập tức phạm vi tìm hiểu, thì từ khóa phải được xác định dần dần, từ tổng quát đến chi tiết, làm sao để tìm được những khái niệm đặc trưng nhất, có tính đại diện cao nhất cho chủ đề đang tìm hiểu.
Ví dụ :
Nếu bạn chưa nắm rõ các thuật ngữ liên quan đến chủ đề đang quan tâm, hãy xuất phát từ các danh bạ mạng và các từ điển thuật ngữ chuyên ngành, bộ thuật ngữ chuyên đề. Chọn các thuật ngữ từ cấp tổng quát đi xuống để xác định dần dần các khái niệm cơ bản được sử dụng trong từng chuyên ngành hẹp, đặc biệt tránh dùng các từ do tra từ điển mà ra.
Chọn từ khóa phù hợp với nguyên tắc hoạt động của mỗi công cụ tìm kiếm là lưu ý rất quan trọng. Đối với các bộ máy tìm kiếm phổ thông như Google hay Yahoo!, các từ khóa cần dùng kèm các từ khóa chi tiết để xác định càng chính xác càng tốt những tài liệu cần tìm. Bạn hãy cố phán đoán các từ khóa thứ cấp được sử dụng trong nhan đề trang, các đề mục con, tác giả hoặc khái niệm quan trọng trong nội dung từng bài.
Ngoại trừ trường hợp cần tìm một chuỗi chính xác, không nên dùng các từ không mang khái niệm, ngữ nghĩa cụ thể như at, on, in trong tiếng Anh hay le, la, les trong tiếng Pháp.
Hãy lưu ý rằng nhiều bộ máy tìm kiếm không phân biệt chữ có dấu và chữ không dấu, tuy nhiên điều này chỉ đúng với các thứ tiếng thuộc ngữ hệ Latin, còn đối với tiếng Việt có dấu Unicode thì vẫn có sự khác biệt. Chữ in hay chữ thường không quan trọng trong việc tìm kiếm tài liệu.
3. Chiến lược tìm kiếm tài liệu
Các bộ máy tìm kiếm là công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên mạng, chúng ta cần thừa nhận tính hữu ích, tiện lợi của các bộ máy đó. Tuy nhiên, mỗi công cụ tìm kiếm có những ưu điểm và phạm vi phát huy hiệu quả của nó.
3.1. Chiến lược tìm trang, bài
Chiến lược này được dùng khi muốn tìm các từ khóa chính xác trong toàn bộ nội dung của các trang web. Cách này rất hữu hiệu khi dùng để tìm các trang bài có tính chất thời sự hoặc mô tả thông tin cá nhân hay sự việc cụ thể. Chiến lược này đòi hỏi bạn phải chọn từ khóa tốt và biết kết hợp linh hoạt các công thức tìm kiếm. Mặt hạn chế của chiến lược này là không có tính chọn lọc thông tin và không khai thác được phần ẩn sâu trong mạng thông tin.
3.2. Chiến lược tìm nguồn
Mục tiêu của chiến lược này là tìm các nguồn cung cấp loại thông tin phù hợp nhất với nhu cầu tìm kiếm. Các danh bạ mạng, cổng thông tin chuyên đề sẽ giúp xác định được nhiều nguồn cung cấp thông tin về một chủ đề nào đó. Sử dụng những nguồn cung cấp thông tin về một chủ đề nào đó. Để tìm kiếm các tài liệu liên quan, bạn có thể dùng những nguồn cung cấp kết quả phù hợp đã biết, dùng các chức năng tìm kiếm hoặc mở các chuyên mục của chính nguồn cung cấp.
Tuy nhiên, hạn chế của chiến lược này là cần phải tìm hiểu rõ các nguồn cung cấp tài liệu cũng như cấu trúc tổ chức các website.
4. Những nguyên tắc vàng khi tìm kiếm thông tin trên mạng
4.1. Biết hỏi
Biết đặt câu hỏi tốt có nghĩa là đã biết cách trả lời. Trong tìm kiếm thông tin trên mạng, biết đặt ra những câu hỏi tốt về chủ đề, biên độ và các khía cạnh liên quan, phạm vi giới hạn, các khái niệm quan trọng chính là nền tảng để có được kết quả tốt.
4.2. Làm chủ trình duyệt mạng
Đây là điều kiện cần để thực hiện tốt quá trình tìm kiếm thông tin trên mạng. Các trình duyệt như Mozilla Firefox, Internet Explorer hay Netscape có nhiều công cụ duyệt mạng, quản lí và lưu trữ thông tin tốt hơn, an toàn hơn. Tốt nhất là nên tập sử dụng tốt hai trình duyệt có cách tiếp cận khác nhau và bổ sung cho nhau.
4.3. Tìm được nguồn tốt
Các nguồn tốt luôn là điểm tựa tốt, giúp người dùng định vị chính xác, hướng đến những nơi có thông tin hữu ích cho các mục tiêu học tập, đào tạo hoặc nghiên cứu.
4.4. Luôn phân tích thông tin
Bất cứ ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng nên người dùng mạng rất cần sự tỉnh táo và óc phân tích các thông tin tìm được, đánh giá nhanh độ tin cậy và giá trị của thông tin, tìm hiểu tác giả và thời gian cung cấp thông tin.
Một thông tin bình thường đã cần có độ chính xác, một thông tin có mục đích khoa học, giáo dục càng phải được yêu cầu cao hơn. Nguyên tắc này cần được giữ thường trực trong đầu, tránh xu hướng thái quá trong việc sử dụng thông tin khoa học kĩ thuật một các tràn lan chưa qua các bước phân tích, đánh giá nghiêm túc.
4.5. Lưu trữ và sắp xếp thông tin
Không sắp xếp và lưu trữ các thông tin một cách khoa học, bạn sẽ dần dần có xu hướng không phân tích, đánh giá nghiêm túc các tài liệu tìm được. Biết làm chủ các trình duyệt sẽ giúp sắp xếp và lưu trữ các nguồn thông tin cần thiết, luôn sẵn sàng để kiểm tra lại bất cứ thông tin gì.
Biết sắp xếp các tài liệu đã tìm được một cách trật tự theo những phương pháp riêng (theo chủ đề, theo tác giả, theo thời gian ..) sẽ giúp quản lí thông tin tài liệu đặc biệt là khi số lượng tài liệu quá nhiều. Điều này giúp bạn tiết kiệm được thời gian trong bất cứ giai đoạn học tập hoặc nghiên cứu nào.
4.6. Giới hạn sự tìm kiếm
Thông tin trên mạng rất tràn lan nhưng cũng bị giới hạn về thời gian. Bạn không nên quá cầu toàn khi tìm kiếm bởi bạn không thể tìm thấy mọi thứ bạn muốn, hãy biết giới hạn sự đòi hỏi về thông tin của mình.
4.7. Luôn tỉnh táo
Nếu không giữ được sự tỉnh táo, người dùng mạng sẽ bị chìm trong biển thông tin hỗn độn, nên bạn cần xác định tìm cái gì và một chiến lược tìm kiếm cụ thể, rõ ràng.
Đừng quá phụ thuộc vào những website mới, có nhiều người truy cập mà hãy tìm những nguồn thông tin hiếm, ít phổ thông, tuy mất thời gian và công sức nhưng lại thu được kết quả độc đáo.
4.8. Nhanh nhẹn
Đối diện với lượng thông tin khổng lồ trên mạng, người dùng cần có sự nhanh nhẹn nhất định mới có thể thực hiện quá trình tìm kiếm một cách hiệu quả : thực hiện cùng lúc nhiều lượt tìm kiếm, đọc và đánh giá thông tin, kết nối thông tin, truy tìm nguồn gốc thông tin và kiểm định lại thông tin.
III. KẾT LUẬN
Tuy nhiên, không có khoa học chính xác cho việc tìm kiếm thông tin trên mạng, đó là sự kết hợp giữa sự chính xác và ngẫu nhiên. Nếu bạn chuẩn bị tốt, trang bị đầy đủ kỹ năng dùng Internet và tích lũy kinh nghiệm dần dần cộng với sự tỉnh táo, khôn ngoan, bạn sẽ thu được nhiều lợi ích từ Internet.
Ths. Nguyễn Tuấn Linh (sưu tầm)
Xem thêm: lap mang viettel